Saturday, September 30, 2017

Tâm Tình Cùng Tuổi Trẻ Trần Trung Đạo






Bài 59: TÂM TÌNH CÙNG TUỔI TRẺ

TRẦN TRUNG ĐẠO·SATURDAY, SEPTEMBER 30, 2017


Sáng 2 tháng 7, 2004, tôi được ban tổ chức đại hội sinh viên Bắc Mỹ mời đến nói chuyện với các bạn trẻ đại diện của khoảng 50 tổ chức thanh niên sinh viên Hoa Kỳ và Canada về tham dự đại hội lần thứ nhất, được tổ chức đại học Emerson, thành phố Boston. 


Trong buổi sáng tâm tình đó, tôi có dịp chia sẻ niềm vui khi biết các em đã trưởng thành. Sự trưởng thành của các em, không chỉ chứng tỏ một cách đơn giản bằng tiếng hô "Tôi Là Người Việt Nam" nhưng bằng việc theo dõi công việc các em đã và đang làm. Tôi sung sướng tự nhủ, những nhánh sông, những con nước trôi lạc loài trên biển ngày nào đang trên đường trở về nguồn cội.

Nếu chúng ta xuống khu người Ý để hỏi một thanh niên Mỹ gốc Ý anh là ai, chắc chắn sẽ anh sẽ trả lời rất gọn "Tôi là người Mỹ." Tương tự, nếu chúng ta qua khu người Đức để hỏi một phụ nữ Mỹ gốc Đức chị là ai, chị cũng sẽ trả lời "Tôi là người Mỹ." Nhưng một cô bé Việt Nam ở Atlanta đã trả lời với chúng tôi em là người Việt Nam. Em nói một cách chân thành. 

Các em là người Việt Nam và hãnh diện là người Việt Nam, dù đa số các em có mặt đã sinh ra tại hải ngoại, và thậm chí có em chưa bao giờ đặt chân lên đất nước Việt Nam. Tôi xúc động khi biết nhiều em đã dành suốt mùa hè để học tiếng Việt. Nhiều em lo lắng không biết bao giờ mới có đủ khả năng tiếng Việt để đọc được Kiều. Nhiều em phân vân không biết các tác phẩm về chiến tranh Việt Nam do các tác giả ngoại quốc viết có phản ảnh trung thực và khách quan cuộc chiến Việt Nam hay không. 

Nghe các em nói, tôi cảm thấy trách nhiệm đè nặng trên vai mình.

Qua nhiều lần tiếp xúc với các bạn trẻ, tôi hiểu được rằng, trong các thế hệ Việt Nam tỵ nạn, thế hệ của chúng tôi có nhiều may mắn nhất. Trong thời kỳ chiến tranh đẫm máu, chúng tôi còn ngồi trong trường trung học hay một, hai năm đầu đại học. Trong thời kỳ đói khổ sau 1975, chúng tôi đã vào tuổi hai mươi và có khả năng bương chải qua ngày. Khi đặt chân sang nước ngoài, chúng tôi lại là thế hệ sở hữu những kinh nghiệm sống cần thiết để đương đầu với những khó khăn trong đời sống mới và có số vốn liếng Việt ngữ, tuy khiêm tốn nhưng cũng tạm đủ để tiếp tục học hỏi và duy trì văn hóa Việt. 

Các em thì không. 

Tuổi thơ của các em được ru, không phải bằng những câu ầu ơ ví dầu thân thương tha thiết nhưng là các chương trình truyền hình Mister Rogers' Neighborhood, bằng Sesame Street, Mickey Mouse. Thế nhưng các em đã ngồi lại với nhau, học hỏi lẫn nhau, tìm cách giúp đỡ cho nhau và cho quê hương của cha mẹ em đang cần được giúp. 

Điều đó cho thấy, tình yêu nước Việt là một thôi thúc kỳ diệu, không đơn giản được xác định bằng tấm giấy khai sinh, bằng quốc tịch nhưng bằng máu huyết luân lưu suốt mấy nghìn năm, bằng đời sống và giáo dục gia đình, bằng truyền thống và tập tục văn hóa đã không ngừng được duy trì và phát triển tại hải ngoại. Đặc tính kế thừa và gắn bó với quê cha đất tổ đó rất khó tìm thấy trong cộng đồng của một sắc dân nào khác.

Một bằng chứng rất hùng hồn và dễ thương mà tôi chứng kiến cũng trong ngày đại hội là cách trả lời của một thí sinh trong giải Hoa Hậu Nhân Ái, một tiết mục giải trí bên cạnh chương trình đại hội. Chúng tôi đặt câu hỏi tại chỗ và hoàn toàn bất ngờ cho các thí sinh.

Câu hỏi thế này: "Nếu em chỉ có 24 giờ để sống trên đời, em sẽ làm gì trong 24 giờ đó?" 

Và đây là nguyên văn câu trả lời của thí sinh trúng giải: "Nếu em chỉ có 24 giờ để sống, em sẽ dành 24 giờ đó cho ba mẹ em. Em sẽ thưa với ba mẹ em rằng em cám ơn ba mẹ đã sinh em ra, đã trải qua nhiều cực khổ từ những ngày mới đặt chân đến Mỹ để nuôi em nên người như ngày hôm nay. Em có một đứa em, nếu còn thời gian em sẽ dành cho nó, dặn dò nó chăm lo học hành, có hiếu với ba mẹ và thay em chăm sóc ba mẹ trong tuổi già." 

Cô bé đứng trên khán đài cao, nhìn xuống ba mẹ em ở dưới, vừa trả lời vừa rưng rưng nước mắt, tưởng chừng 24 giờ tới đây em sẽ ra đi thật.
Em có thể đã có người yêu. Em có thể đã có hàng trăm nhu cầu, ham muốn khác của tuổi mười tám, hai mươi. Nhưng không, cuối cùng em chỉ muốn trở về với nơi em đã sinh ra. Ý thức về nguồn, qua câu trả lời không chuẩn bị trước nhưng rất tự nhiên, chân thành bằng tiếng Việt, đã cho thấy sức sống kỳ diệu của dân tộc Việt Nam. Sức mạnh của văn hóa dân tộc Việt Nam như một dòng sông dài, có lúc trôi êm ả và cũng có lúc phải vượt qua nhiều ghềnh đá cheo leo, nhưng chưa bao giờ gián đoạn.


Câu nói "Tôi là người Việt Nam" thoạt nghe qua rất đơn giản, ai cũng có thể nói được, người Việt Nam nào, dù trong nước hay đang sống ở ngoài nước, cũng có thể nói như thế. Nếu chúng ta hỏi một em du học sinh từ trong nước vừa ra đến hải ngoại, em sẽ trả lời một cách hãnh diện "Tôi là người Việt Nam" và tương tự nếu chúng ta hỏi một sinh viên Việt Nam lớn lên ở Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Úc hay xứ nào khác, em cũng sẽ vui sướng trả lời "Em là người Việt Nam." 

Tuy nhiên nếu chúng ta hỏi tiếp "Việt Nam của em là Việt Nam nào?" thái độ, phản ứng và cách trả lời của mỗi em sẽ khác.

Em sinh viên ở hải ngoại sẽ ngập ngừng, vì trước hết, em không thể tin được trên thế giới này có thể có hơn một nước Việt Nam.

Nước Việt Nam duy nhất mà em biết là một dân tộc tuy có lịch sử anh hùng, bất khuất, có tinh thần tự chủ cao độ, truyền thống giáo dục gia đình tốt đẹp nhưng hiện nay đã trở thành lạc hậu. 

Việt Nam mà em biết là quốc gia có lợi tức đầu người thấp xa so với nhiều quốc gia kém phát triển khác ở Châu Phi, và với một nền kinh tế sống nhờ vào khu vực nông nghiệp và dịch vụ. 

Việt Nam mà em biết là quốc gia có những người lãnh đạo đất nước già nua, độc tài, cực đoan, bảo thủ ngồi trên ghế quyền lực tròn nửa thế kỷ nhưng vẫn còn muốn duy trì quyền chuyên chế ngay cả trong lúc đang nằm trên giường bịnh chờ chết. 

Việt Nam mà các em biết là một trong năm nước trên thế giới vẫn tiếp tục bám vào chủ nghĩa Cộng Sản, một ý thức hệ một thời bành trướng nhờ vào chiến tranh, đấu tố, ám sát, hiện nay đã lùi xa vào quá khứ con người.
Việt Nam mà các em biết là quốc gia có hàng trăm ngàn phụ nữ chỉ vì chén cơm manh áo mà phải bán thân lưu lạc xứ người, bị đánh đập, xô đuổi, ném ra đường phố như những nô lệ tình dục thời Trung Cổ.

Việt Nam mà các em biết là quốc gia hai phần ba trong tuổi thanh niên nhưng đa số không có sức sống, không có hoài bão cho tương lai của đời mình và cho đất nước mình, sống trong chờ đợi một bình minh chưa đến và có thể sẽ không bao giờ đến trong đời họ. 

Tóm lại, Việt Nam mà thế hệ trẻ ở hải ngoại biết là một dân tộc đáng yêu nhưng cũng là quốc gia đang cần một cuộc thay đổi toàn diện để hy vọng có thể hội nhập vào dòng tiến hóa của loài người.

Trái lại với một Việt Nam bi thảm đó, đối với đa số các em du học sinh từ trong nước mới sang hay đang ngồi trong trường đại học tại Việt Nam, Việt Nam mà các em được dạy là "xứ sở của anh hùng, độc lập, tự do, hạnh phúc, một đất nước, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam, đã liên tục đánh gục ba tên đế quốc đầu sỏ Pháp, Nhật và Mỹ. Cả thế giới nghiêng mình kính phục khi nghe nhắc đến hai chữ Việt Nam." 

Nói chung, ý thức của các em là bản sao của một bài hát tuyên truyền được lặp đi lặp lại suốt mấy chục năm qua, nhiều đến nỗi đã trở thành tự nhiên như một đặc tính bẩm sinh. 

Thật khó có thể tin được, giữa lúc cả nước chìm trong nạn đói của những năm sau 1975, trong đó hàng triệu người dân bị đày đi kinh tế mới, hàng triệu người không có ngay cả mỗi ngày chén cháo để ăn, nhưng trên các loa phóng thanh đầu làng cuối phố, người dân Việt Nam vẫn sáng chiều hai buổi nghe toàn là những thành quả vượt chỉ tiêu, những khẩu hiệu đầy hứa hẹn. 

Khi nói đến tình trạng vong thân trí thức trong giới trẻ Việt Nam, tôi không có ý cho rằng tất cả thế hệ trẻ Việt Nam đều đánh mất quê hương trên chính quê hương mình, đều ngoảnh mặt làm ngơ trước sự chịu đựng của cha mẹ và bà con thân thuộc mình. Không. Trên kẽ đá hẹp giữa lòng núi, dù cheo leo nguy hiểm, dù gai góc bao nhiêu vẫn mọc lên những bông hoa rừng tuyệt mỹ. 

Đất nước chúng ta cũng thế. Lịch sử đã chứng minh, thời đại nào người yêu nước cũng đông hơn kẻ phản dân hại nước. Trong cơn lũ độc tài áp bức kéo dài mấy chục năm qua, những búp măng non vẫn cố vươn mình lên. Nhiều khuôn mặt trẻ can đảm vẫn còn sáng suốt, bằng nhiều cách khác nhau, đang cố đánh thức thế hệ họ, đồng bào họ đang chìm trong cơn mê dài. 

Thành phố nơi tôi ở là thành phố đại học nên tôi có cơ hội gặp khá nhiều sinh viên từ trong nước sang. Trong những lần gặp gỡ đó, có khi tôi cũng nghe vài em nói về một "Bác Hồ anh minh và vĩ đại", nghe các em đọc dăm bài thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên đầy sắc máu hận thù, và cũng có khi nghe các em nói lên niềm hãnh diện về nước Việt Nam, nơi đó, cái gì cũng vượt trên tầm thời đại. Bạn bè tôi, nhiều người cảm thấy khó chịu, đứng dậy đi ra, một số khác e ngại và từ đó tìm cách tránh xa, nhưng tôi thì không. Tôi ngồi lại.

Tôi ngồi lại và kiên nhẫn chờ đợi một cơ hội để nói với em những điều em chưa hề được nghe, cơ hội để mang các em về với thực tế đầy đau xót của đất nước, về với cái chung của anh em chúng tôi đang bị chìm khuất phía sau đám mây đen vong bản. 

Tôi ở lại với các em vì tôi thật sự không tin những điều các em nói phát xuất từ trái tim trong sáng Việt Nam hay những bài thơ các em đọc phát xuất từ tâm hồn đầy ắp thi ca và nhân bản Việt Nam. 

Ý thức của các em khi sinh ra giống như một tờ giấy trắng, đảng Cộng Sản vẽ lên đó hình gì, sẽ hiện lên hình đó, chế độ độc tài sơn lên màu gì, sẽ hiện ra màu đó. Trách nhiệm lương tâm và đạo đức của những ai còn nghĩ đến tương lai dân tộc, không phải xé bỏ tờ giấy đó đi nhưng chỉ nên xóa đi màu đỏ của hận thù, xóa bỏ bức hình độc ác trong tâm thức của các em. Nếu làm được vậy, tấm giấy kia vẫn sẽ là tấm giấy Việt Nam. Thay vì đẩy các em về phía bóng tối, hãy giúp các em đi về phía ánh sáng của tình đồng bào, tình đất nước.

Tôi muốn nói với các em về một nước Việt Nam mà có thể các em chưa biết, một Việt Nam đang bị bỏ rơi tận đàng sau đuôi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật không ngừng của nhân loại. Thế giới mà các em đang đối diện không phải là thế giới mà các em đã học ở trong nước. 

Sau 1975, những nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam tự mãn với hào quang chiến thắng của họ đến nỗi trở nên cô lập với thế giới bên ngoài. Hậu quả của căn bịnh kiêu căng đầy hoang tưởng đó là một Việt Nam suy thoái về mọi phương diện. 

Tôi muốn nói với các em về lòng yêu nước, một đức tính vô cùng cao quý và đáng ca ngợi của dân tộc Việt Nam. Chúng ta hãnh diện với truyền thống yêu nước và tinh thần tự chủ đã được may mắn kế thừa từ tổ tiên suốt bốn ngàn năm lịch sử. Nếu không nhờ tinh thần đó thì ngày nay Việt Nam không phải là nước Việt Nam mà là tỉnh Việt Nam, giống như tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây hay đã chịu chung số phận của Mãn Châu, Nội Mông, Tây Tạng. Nhưng yêu nước là một tình yêu cần được soi sáng và hướng dẫn bằng trí tuệ chứ không phải là một thứ tình yêu cực đoan và mù quáng. 

Hãy nhìn lại cuộc đấu tranh chống Thực Dân Pháp đầy gian khổ của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh đó, không phải chỉ miền Bắc chống Pháp và miền Nam theo Pháp, không phải chỉ những người Cộng Sản hô hào đánh Pháp và người Quốc Gia chạy theo chân Pháp. Không. Từ sông lạch miền Nam đến núi rừng Việt Bắc, nhân dân Việt Nam đã tùy theo điều kiện địa lý, hoàn cảnh chính trị của mỗi miền, và cả của mỗi người để đánh đuổi Thực Dân. Có vị chủ trương cứng rắn, có vị chủ xướng ôn hòa, có vị chủ trương võ lực, có vị chủ xướng Duy Tân. Nhưng nếu họ cùng có một tấm lòng vì nước, một đức tính trung thành và chung thủy với quê hương, nhân dân Việt Nam vẫn biết ơn họ và lịch sử Việt Nam sẽ ghi công họ. 

Giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam thì khác, chưa đánh đuổi được ngoại xâm đã tàn sát không nương tay những người Việt Nam yêu nước mà họ nghĩ sẽ tranh quyền đoạt lợi với họ sau này. Và trong suốt nửa thế kỷ qua, giới lãnh đạo Cộng Sản lại một lần nữa lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam, đẩy hàng triệu thanh niên Việt Nam vào chỗ chết cho các mục tiêu bành trướng ý thức hệ Cộng Sản, cho quyền lợi của đàn anh Trung Cộng, Liên-Xô dưới hình thức cuôc chiến tranh gọi là "Chống Mỹ cứu nước" vô cùng ngu xuẩn. Hôm nay, cơn lũ chiến tranh tuy đã qua đi nhưng trên cánh đồng Việt Nam vẫn còn phơi đầy thân xác anh em, máu xương của đồng bào ruột thịt.

Tôi muốn nói với các em về những kẻ trước đây đã từng ca ngợi chế độ Cộng Sản Việt Nam như "ngọn hải đăng thời đại", những kẻ "mơ sáng mai thức dậy biến thành người Việt Nam" và họ là ai.

Họ là đảng CS Liên Xô thời chế độ này còn thoi thóp, họ là đảng Cộng Sản Trung Hoa, họ là những nhà văn, nhà thơ chống chiến tranh và họ là lãnh tụ các phong trào phản chiến châu Âu. 

Đảng CS Liên-Xô ca ngợi Cộng Sản Việt Nam bởi vì chiến tranh Việt Nam đã giúp làm chậm lại cuộc chạy đua vũ khí với Mỹ mà chính họ đang dần dần kiệt quệ. Trung Cộng ca ngợi Cộng Sản Việt Nam đơn giản vì nhân dân Việt Nam đã chết thay cho họ để bảo vệ biên giới phía Nam. Trong ly rượu sâm-banh của các tên lái buôn chiến tranh đế quốc chúc tụng nhau ở Nhân Dân Đại Sảnh Bắc Kinh, ở điện Kremlin có máu của đồng bào Việt Nam đổ xuống khắp ba miền. Trong tiếng cười rạng rỡ của các chủ tịch nhà nước, các tổng bí thư trong đêm liên hoan mừng chiến thắng, không phải chiến thắng của nhân dân Việt Nam nhưng vì các mục tiêu riêng của họ đã đạt được, có nước mắt của hàng triệu bà mẹ Việt Nam khóc cho những đứa con của mẹ đã gởi xác ở Trường Sơn, Khe Sanh, Bình Long, Trị Thiên, An Lộc. 

Tôi muốn nói với các em, dân tộc chúng ta đã được gì sau cuộc chiến Việt Nam. Một thành quả của đảng Cộng Sản mà các em nghe hàng triệu lần là thống nhất dân tộc. Vâng, thống nhất dân tộc là một nhu cầu cần thiết. Không một người Việt yêu nước nào không muốn dân tộc Việt Nam thống nhất, nhưng liệu cần thiết đến nỗi phải đổi bằng thân xác của hơn ba triệu người, hủy diệt mầm sống của bao nhiêu triệu người còn lại trong suốt nửa thế kỷ qua và hậu quả xã hội sẽ kéo dài không biết đến bao giờ. Tại sao Đông Đức không chọn con đường võ lực? Tại sao Bắc Hàn, sau cuộc thử lửa với Mỹ vào năm 1953, đã không tiếp tục chọn con đường võ lực?
Nếu Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Cộng Sản thật sự là những người yêu nước, họ ít nhất phải học ở Erich Honecker và Kim Nhật Thành, dù độc ác bao nhiêu cũng biết sợ hậu quả không thể đo lường được khi phải đương đầu với Mỹ, một cường quốc mạnh nhất thế giới về khoa học kỹ thuật, kinh tế và quốc phòng. 

Nếu Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Cộng Sản miền Bắc thật sự là những người yêu nước, họ phải biết dừng lại ở hiệp định Geneve và chờ một cơ hội hòa bình, một giải pháp không đổ máu để thống nhất đất nước, thay vì thống nhất bằng xe tăng T54, bằng đại pháo, bằng trại tập trung, bằng nhà tù và sân bắn.

Và tôi cũng muốn nói với các em một điều hệ trọng hơn tất cả những điều đã nói, rằng, dù em sinh ra ở Huế, Hà Nội hay Sài Gòn, ở San Diego, Santa Ana, San Jose, Sydney, Victoria, Oslo, Berlin, Paris hay một nơi nào khác, em cũng nên hãnh diện để nói lớn rằng "Tôi là người Việt Nam." 

Định mệnh lịch sử khắc nghiệt đã đẩy các em vào nhiều hoàn cảnh khác nhau, điều kiện trưởng thành khác nhau, nhưng tôi tin rằng, một ngày không xa, tất cả những người con yêu của mẹ Việt Nam sẽ gặp lại nhau tại một điểm hẹn huy hoàng của lịch sử, đó là ngày phục hưng dân tộc Việt Nam. Em đang ở đâu và đang làm gì, hãy nỗ lực cho ngày đẹp trời đó của dân tộc. Những buồn đau chia cắt sẽ qua đi và một nước Việt Nam mới, tự do, dân chủ, nhân bản, khai phóng sẽ ra đời. 

Trần Trung Đạo
(Trích trong Tâm Bút Trần Trung Đạo)

No comments:

Post a Comment