Tuesday, October 3, 2017

Tội Ác Cộng Sản trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất



ĐẤU TỐ
Chuyện khởi đầu từ Karl Marx, khi ông tuyên bố “cách mạng ruộng đất là điều kiện để giải phóng dân tộc” (1).
Thế là không cần biết là Marx đã có thực sự giải phóng dân tộc nào chưa, ngay cả chính ông ta, đảng Cộng Sản Trung Hoa bê nguyên xi câu này về nước mở chiến dịch “thổ địa cải cách” năm 1946-1949 để gọi là lập lại công bằng xã hội, thiết lập nền chuyên chính vô sản nhằm tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách nhanh chóng. Bốn năm sau thì đến lượt ông Hồ và đảng Lao Động Việt Nam (tiền thân của đảng Cộng Sản hiện nay). Dù đảng mắc nhiều khuyết điểm tày trời (mà chắc cụ Nguyễn Trãi cũng đồng ý trúc Nam Sơn không ghi hết tội, nước Đông Hải rửa không hết mùi), nhưng đảng lại có được một đặc điểm là luôn chọn lọc được những thứ ma quỷ, ô uế nhất của loài người mang về tròng lên đầu lên cổ người dân Việt Nam.
Năm 1953, với sự thúc dục của Stalin và Mao Trạch Đông, ông Hồ ẳm nguyên mô hình “thổ địa cải cách” của Trung Hoa đem về Việt Nam và phóng tay phát động một chiến dịch có tên đầy tính chất ‘sáng tạo’ - cải cách ruộng đất; không quên thỉnh cán bộ Trung Hoa qua làm cố vấn trực tiếp.
Nhìn cách đảng Cộng Sản Trung Hoa đối xử với dân của họ (2) và ngay cả chính với nhau (Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu, Bành Đức Hoài …), không biết còn ai - ngoại trừ đảng Cộng Sản Việt Nam - có thể tin là họ sẽ đối xử với người ngoài, đặc biệt là người Việt Nam, tốt đẹp?
∞∞∞
Bà Nguyễn Thị Năm (3) là một địa chủ giàu có ở tỉnh Thái Nguyên, và vì có một hiệu buôn tên Cát Hanh Long, nên bà còn được biết đến là bà Cát Hanh Long. Là một người có khối tài sản kếch sù vì giỏi làm ăn, mà lại giàu lòng yêu nước, bà đã đóng góp không biết là cơ mang tiền bạc, của cải, nhà cửa, công sức cho Việt Minh. Bà từng ủng hộ một số tiền mặt tương đương với 700 lạng vàng thời bấy giờ. Và khi chính phủ Hồ Chí Minh tổ chức “Tuần lễ vàng”, bà đóng góp ngay hơn 100 lạng vàng.
Trong thời gian đánh Pháp, bà nắm các vai trò lãnh đạo của Hội Phụ Nữ tỉnh Thái Nguyên và Liên Khu Việt Bắc - từng giữ chức Chủ tịch Hội Phụ Nữ của tỉnh Thái Nguyên trong 3 năm. Do gia thế giàu có ít bị nghi ngờ, bà đã nuôi dưỡng, che chở nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Minh, mà đa số chúng ta chắc đã từng nghe qua – Trường Chinh (Tổng bí thư), Lê Đức Thọ (người ký hiệp định Paris 1973 với Kissinger), Phạm Văn Đồng (Thủ tướng), Võ Nguyên Giáp (Đại tướng, Tổng Tư Lệnh quân Bắc Việt) & Nguyễn Chí Thanh (Đại tướng, Bí thư Trung Ương Cục miền Nam). Hai con trai bà đều đi bộ đội, một người đã từng tháp tùng đoàn đại biểu chánh phủ vào Huế nhận ấn kiếm khi vua Bảo Đạo thoái vị và người kia giữ trách nhiệm trung đoàn trưởng của Sư đoàn 308.
Những tưởng với công và ơn như thế, bà được đảng xem như bảo vật quốc gia?
Không hẳn, vì nghề “ăn cháo đá bát” của đảng đã trở thành hạng thượng thừa ngay từ khi còn trong hang Pác Bó. Nhưng khi đó, khó ai mà tưởng tượng nỗi chuyện một người phải hưởng nhiều may mắn lắm mới được đảng chỉ “đá bát” thôi sau khi hút xong tô cháo ơn nghĩa mà người dân đã hy sinh dành cho!
Để mở màn chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất cho thật ‘hoành tráng’, cố vấn Trung Hoa La Quý Ba tẩn mẩn chọn người sẽ mang ra ‘làm thịt’ thật kỹ càng, sao cho nó trở thành phát súng hiệu mở màn cho một cuộc bể dâu long trời lở đất. Và hắn ta chọn bà Năm - cho rằng những hành động yêu nước của bà chỉ là “giả dối nhằm phá hoại hàng ngũ cách mạng”.
Chắc nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ là cán bộ lãnh đạo đảng, những người đã từng mang ơn cứu tử mà lại có quyền thế, sẽ xả thân ra bênh vực che chở cho bà? Hồ Chí Minh nói: "Không ổn! Không thể mở đầu chiến dịch bằng cách nổ súng vào một phụ nữ, mà người phụ nữ ấy lại là người từng nuôi cán bộ cộng sản, là mẹ một trung đoàn trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đang tại chức !". Sau vì cố vấn La Quý Ba đề nghị mãi, Hồ Chí Minh nói: "Thôi, tôi theo đa số chứ tôi vẫn cứ cho là không phải".
Nghe thật là cảm động, ông hết lòng bênh vực người mà ông biết là vô tội, người mà đảng ông mang ơn sâu xa, người mà chính con cái họ đang ngoài mặt trận hy sinh bảo vệ đất nước. Nhưng cuối cùng vì cố vấn Trung Hoa nói mãi, ông đành xiêu lòng theo đa số mà cho giết bà! Có lẽ vì vậy mà sau này bà Nguyễn Thị Doan khi còn đang giữ chức vụ Phó Chủ Tịch nước đã viết trên báo Nhân Dân ngày 05.11.2011 rằng “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa biết kết thừa những tinh hoa dân chủ, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”. Ai phản đối hay chế nhạo bà thì hãy thử tìm trong các nước tự do một vị lãnh đạo quốc gia nào mà hành xử ‘dân chủ’ cho được bằng ông Hồ? Dù ông không đồng ý, nhưng khi đa số ngoại bang biểu quyết giết dân ông, ông vẫn miễn cưởng tuân theo – cho dù họ có vô tội, đừng nói chi chuyện đã là người ơn nghĩa sâu đậm cho biết bao nhiêu đảng viên lãnh đạo của ông.
Nhưng có lẽ vẫn sợ mọi người thấy ‘dân chủ’ như vậy chưa đủ, trong bài viết “Địa chủ ác ghê” ông Hồ qua bút danh C.B (4) đã hài tội bà Năm - người mà ông mới cho là vô tội:
Thánh hiền dạy rằng: “Vi phú bất nhân”. Ai cũng biết rằng địa chủ thì ác: như bóc lột nhân dân, tô cao lãi nặng, chây lười thuế khoá – thế thôi. Nào ngờ có bọn địa chủ giết người không nháy mắt. Đây là một thí dụ:
Mụ địa chủ Cát-hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã:
- Giết chết 14 nông dân.
- Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật.
- Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người – năm 1944, chúng đưa 37 gia đình về đồn điền phá rừng khai ruộng cho chúng. Chúng bắt làm nhiều và cho ăn đói. Ít tháng sau, vì cực khổ quá, 32 gia đình đã chết hết, không còn một người.
- Chúng đã hãm chết hơn 30 nông dân – Năm 1945, chúng đưa 65 nông dân bị nạn đói ở Thái Bình về làm đồn điền. Cũng vì chúng cho ăn đói bắt làm nhiều. Ít hôm sau, hơn 30 người đã chết ở xóm Chùa Hang.
- Năm 1944-45, chúng đưa 20 trẻ em mồ côi về nuôi. Chúng bắt các em ở dưới hầm, cho ăn đói mặc rách, bắt làm quá sức lại đánh đập không ngớt. Chỉ mấy tháng, 15 em đã bỏ mạng.
Thế là ba mẹ con địa chủ Cát-hanh-Long, đã trực tiếp, gián tiếp giết ngót 260 đồng bào!
Với bài viết này làm ‘chứng cớ’, bà Năm bị đem ra trước công chúng đấu tố tổng cộng 3 lần, và cuối cùng bị đem ra xử bắn ở Đồng Bẩm, tỉnh Thái Nguyên vào ngày 9 tháng 7 năm 1953.
Theo lời kể của Tiêu Lang, phóng viên báo Cứu quốc trong đội cải cách (5):
"Khi du kích đến đưa bà ta đi, bà ta đã cảm thấy có gì nên cứ lạy van "các anh làm gì thì bảo em trước để em còn tụng kinh." Du kích quát: "đưa đi chỗ giam khác thôi, im!." Bà ta vừa quay người thì mấy loạt tiểu liên nổ ngay sát lưng. Mình được đội phân công ra Chùa Hang mua áo quan, chỉ thị chỉ mua áo tồi nhất. Và không được lộ là mua chôn địa chủ. Sợ như thế sẽ đề cao uy thế uy lực địa chủ mà. Khổ tớ, đi mua cứ bị nhà hàng thắc mắc chưa thấy ai đi mua áo cho người nhà mà cứ đòi cái rẻ tiền nhất. Mua áo quan được thì không cho bà ta vào lọt. Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô: "Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này?" Nghe xương kêu răng rắc mà tớ không dám chạy, sợ bị quy là thương địa chủ. Cuối cùng bà ta cũng vào lọt, nằm vẹo vọ như con rối gẫy vậy..."
Đến năm 1956, vì tình hình trở nên kinh hoàng, tồi tệ đảng đã phải tổ chức chiến dịch nhận khuyết điểm và sửa sai - phục hồi danh dự và trả lại tài sản cho một số người bị kết án oan. Nhưng chính chiến dịch sửa sai này cũng mang thêm chết chóc, vì những người oan ức đã uất ức đi tìm trả thù những người đã khai gian, và có khi chưa kịp trả thù đã bị thủ tiêu trước để tránh trả thù.
Nhìn ông Hồ sướt mướt thành khẩn nhận lỗi lỡ tay làm tiêu vong vài ngàn (đến vài chục ngàn) mạng người, tôi chợt hiểu “nước mắt mẹ mìn” là loại nước gì !
Tuy ông Hồ khóc lóc trông ngậm ngùi thế, nhưng mãi đến 1990, gia đình mới tìm được xác của bà Năm. Và dù đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu minh oan và phục hồi danh dự cho mẹ, cho đến năm 2014, ông Hanh (con trai lớn của bà Năm) vẫn hoàn toàn không được hồi âm từ trung ương.
Những ai tính ta thán “may mà chỉ lỡ tay, chứ ông ta mà ra tay thật thì không biết đến nỗi nào”, thì đã có ngay câu trả lời, khi ông đọc bài thơ “Toàn Thắng Ắt Về Ta” phát đêm giao thừa 1967 là hiệu lệnh cho cuộc tổng công kích Mậu Thân với kết quả là vài trăm ngàn người chết.
Bà Năm là nạn nhân đầu tiên.
Do tình trạng đất nước còn lạc hậu những năm 1950s, và do đặc tính dối trá muôn thưở của người cộng sản, số người bị giết trong chiến dịch cải cách ruộng đất khó biết được chính xác.
Dù có tin vào con số nào đi nữa, thì cải cách ruộng đất và đấu tố ở miền Bắc đã đưa tới núi xương, sông máu.
Cũng cần biết thêm, cùng lúc đó ở miền Nam, chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng có một chính sách tương tự “Người Cày Có Ruộng”, mua lại ruộng đất của các đại điền chủ, phân phát hoặc bán rẻ lại cho nông dân nghèo. Chánh sách này hao tốn công quỹ quốc gia một ngân khoản khổng lồ, nhưng ngược lại không tốn hao người dân miền Nam một giọt máu.
∞∞∞
Một cuộc đấu tố cần ba yếu tố căn bản:
• tương quan sức mạnh giữa hai bên
• sự dối trá, chụp mũ, chứng gian, nói điêu cho người vô tội và bịt miệng họ
• sự tàn bạo mà bên mạnh ra tay để đạt được mục đích
Cuộc đấu tố bà Năm vào ngày 22 tháng 5 năm 1953 có sự tham dự của gần 1 vạn người (theo hồi ký Trần Huy Liệu, lúc đó là thanh tra Cải Cách Ruộng Đất tại Thái Nguyên).
Hãy xem nước Đức làm gì với di sản nhơ nhớp Holocaust mà Đức Quốc Xã để lại? Chẳng những họ dựng một đài tưởng niệm thật trang trọng tại thủ đô Berlin, họ còn nhắc lại tội ác này trong học đường, đưa các em học sinh tới các địa điểm lịch sử chứng tích với mục đích là đừng để lịch sử lập lại lần nữa.
Tương tự, chuyện “đấu tố” cần được nhắc lại và nhắc nhiều lần để con em chúng ta biết rằng trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc chưa có giai đoạn nào tang thương như cải cách ruộng đất ở miền Bắc nước ta vào những năm 1953-1956. Nhưng khi nhắc lại thì cần nhắc một cách vô cùng cẩn thận - cảm thông với những nỗi oan ức thấu trời xanh và trân trọng với những hy sinh mất mát khủng khiếp của đồng bào mình.
Đừng nhắc lại thảm cảnh máu đổ thịt rơi, chỉ để đạt được những nhu cầu tranh chấp vụn vặt và ngắn hạn.
Đừng để tuổi trẻ Việt Nam lầm tưởng "đấu tố" với sự tranh luận thẳng thắn.
Nguyễn Linh Đằng
Adelaide 9/2016
(4) C.B là chữ viết tắt cho “Của Bác”, bút hiệu của ông Hồ dùng cho 147 tài liệu trên báo Nhân Dân từ 1951-1957 - https://vi.wikipedia.org/…/B%C3%BAt_hi%E1%BB%87u_c%E1%BB%A7…
(5) Hồi ký Đèn Cù, Trần Đĩnh - http://www.vinadia.org/den-cu-tran-dinh/

No comments:

Post a Comment